• 91 Valley Hill Rd.  Riverdale, Georgia 30274
  • 770-472-9963

Chương Trình Việt Ngữ



“Tiếng ta còn, nước ta còn”
Câu nói nổi tiếng của học gỉả Phạm Quỳnh đã trở thành câu châm ngôn nằm lòng đối với mọi người Việt Nam, đặc biệt nơi cộng đồng người Việt tại hải ngọai. Yêu quê hương, thương dân tộc là cảm tính tự nhiên của con người, nhưng thiêng liêng và cao cả nhất là ý thức bổn phận duy trì ngôn ngữ và truyền đạt văn hóa Việt Nam tới lớp trẻ hậu sinh.

Ý thức trách nhiệm và với tinh thần yêu nước thương nòi, các phụ huynh, quý thầy cô đã yểm trợ tích cực vào việc thành hình Trường Việt Ngữ Lê Bảo Tịnh tại Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam. Nhưng tiên vàn phải nói tới vị chủ chăn, Đức Ông Phanxicô Xaviê Phạm Văn Phương, là người có lòng thương mến giới trẻ cách đặc biệt, đã tận tình nâng đỡ và đã duy trì liên tục sinh hoạt chương trình Việt Ngữ cho đến ngày hôm nay.

I- Tiến trình hình thành

Trở về qúa khứ, Trường Việt Ngữ hiện nay là thành qủa của tiến trình phát triển lâu dài song hành với sự thăng tiến của Cộng Đồng Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam. Thật vậy, sau khi đến định cư tại Mỹ, có nhiều phụ huynh và những người tâm huyết đã nghĩ đến và cố tổ chức các “chương trình học tiếng Việt”. Tuy nhiên, vì hòan cảnh phải thích nghi với cuộc sống mới và “lực bất tòng tâm”, các mơ tưởng tốt đẹp đó “nói thì dễ nhưng làm thì khó!”

Mãi cho đến trung tuần năm 1993, nghĩa là sau khi “Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Atlanta” được nâng lên “Họ Đạo” và tậu mãi ngôi thánh đường tại Forest Park, chính vào thời điểm này, Chương Trình Việt Ngữ mới được tổ chức có hệ thống và quy củ.

Bản chất của cuộc đời là thay đổi, đổi thay để cải tiến và làm cho tốt đẹp hơn. Trong chiều hướng vươn lên, với số gíao dân mỗi ngày một gia tăng, một ngôi thánh đường khang trang, rộng rãi thứ hai đã được tậu mãi và “Họ Đạo” được chính thức đổi danh xưng là “Giáo Xứ”.

Chương trình Việt Ngữ cũng được cải tổ vì số học sinh ngày thêm đông. Dù phải đối diện với những khó khăn thường tình trong công việc giáo dục, nhưng với thiện chí và sự tận tâm của quý thầy cô, của quý thầy Trưởng Ban và nhất là được sự yểm trợ tích cực của Đức Ông chủ chăn, tiến trình hình thành và sinh họat chương trình dạy tiếng Việt đã được cải tíến với thời gian, được tổ chức quy mô và hệ thống hóa với danh xưng Trường Việt Ngữ Lê Bảo Tịnh.

Kể từ ngày chính thức sinh họat cho đến ngày nay, tên gọi chương trình tuy có thay đổi, như: Lớp Việt Ngữ, Ban Việt Ngữ, Trường Việt Ngữ, nhưng mục đích và sự hy sinh của quý thầy cô vẫn không đổi thay. Với tinh thần phục vụ cao độ, quý thầy có tên dưới đây đã liên tiếp trách nhiệm điều hành trong chức vụ Trưởng Ban:
  • Thầy Tarcisius Đặng Vũ Trấn - niên khóa 1993-1994 .
  • Thầy Giuse Hoàng Trọng Thư - niên khóa 1994 tới 1997.
  • Thầy Giuse Lâm Văn Rung - niên khóa 1997 tới 2002 .
  • Thầy Phó Tế Giuse Nguyễn Hòa Phú - niên khóa 2002 tới 2006 .
  • Thầy Phanxicô Trần Đình Khiêm - niên khóa 2006 tới nay.

II- Tổ chức và Điều Hành

Nhìn lại qúa trình sinh họat của chương trình Việt Ngữ, cách chung nhận xét việc tổ chức và điều hành cũng đã thăng tiến với nhịp sống của Giáo xứ.

Với cái nhìn lạc quan việc giáo dục cho học sinh về tương lai, Trường Việt Ngữ có những nét đậm màu dưới đây:
A - Mục tiêu:
Mục tiêu của Trường Việt Ngữ nhằm dạy cho học sinh: nói, đọc và viết thông thạo tiếng Việt.
Để giúp học sinh đạt được mục tiêu nói trên, quý thầy cô hướng dẫn học sinh theo các lớp tuổi và trình độ; từ lớp MỘT đến lớp TÁM.
Ngoài chương trình Việt ngữ phổ thông, các học sinh còn tham dự vào các “sinh họat học đường” như du ngọan, tập hát, trò chơi ngòai trời, phim ảnh giáo dục, trình diễn văn nghệ, tìm tài năng mới ...
B - Giảng Huấn
Tất cả các thầy cô đều tình nguyện tham gia vào việc dạy dỗ mà không lấy thù lao. Trong việc điều hành, Trường Việt Ngữ còn có các Tiểu ban dưới đây:
  • Giảng Huấn
  • Hành Chánh
  • Giám Thị
  • Sinh Họat Học Đường…

Tu nghiệp sư phạm: Hàng năm, Giáo xứ tổ chức các khóa tu nghiệp sư phạm nhằm mục đích cải tiến kỹ năng dạy học của quý thầy cô.

C - Chương trình toàn niên

- Kể từ niên học 2001–2002, chương trình Việt Ngữ được chuyển qua sáng ngày thứ Bẩy hàng tuần. Các lớp học bắt đầu từ 9giờ30 sáng đến 12giờ 30 trưa. Tính trung bình, mỗi tuần học tiếng Việt được 3 giờ. Chương trình tòan niên là 22 tuần lễ (từ tháng 8 đến tháng 5). Tổng cộng khoảng 66 giờ học tiếng Việt trong 1 năm học.
- Giáo trình: Ngoài mục tiêu chính là dạy học sinh: nói, đọc và viết thông thạo tiếng Việt, giáo trình tòan niên còn dạy các em về: sử ký, địa lý, phong tục và tập quán người Việt Nam.

III- Những thách đố và giải pháp đề nghị

- Thách đố:
“Không THẦY đố mày làm nên”
Trong lãnh vực học tiếng Việt tại hải ngoại, câu này nay được sửa lại như sau:
“Không MÀY đố thầy làm nên”.

Thật vậy, theo kinh nghiệm của các thầy cô, và theo kết quả “thăm dò ý kiến”, hiện nay tại các trường Việt Ngữ nói chung, có:
1/3 học sinh thích học Việt Ngữ và đến trường cách vui vẻ, thích thú.
2/3 số học sinh còn lại, đến trường vì do cha mẹ yêu cầu hoặc bắt buộc.

Lý do các em nêu ra: “phải đi học thêm cuối tuần; bận bài vở ở nhà trường, không có giờ làm bài.”

- Giải pháp đề nghị:

Phụ huynh cần cộng tác với nhà trường trong việc giáo dục Việt ngữ. Gia đình là trường học và phụ huynh là những nhà giáo dục đầu tiên cho con em.

Phải nói tiếng Việt và phụ con cái làm bài tập ở nhà.

Giải thích cho con em về lợi ích tương lai của việc nói thông thạo hai ngôn ngữ.

Nêu lên những thách đố không phải để bi quan yếm thế, nhưng đển biết thực trạng của vấn đề và để cùng nhau cố tìm phương pháp để hóa giải các nan đề.

“Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau.”

Trong khuôn khổ giới hạn, xin tạm kết thúc bài viết với những cảm nghiệm và suy tư cuối cùng: dù con em của chúng ta có thành công hay thành danh nơi đất khách quê người, các em vẫn là người Vịệt Nam. Giọng nói của các em có thể thay đổi, nhưng căn tính nguời Việt Nam máu đỏ da vàng vẫn không đổi thay.

Duy trì tiếng Việt có thể khả thi, nhưng muốn phát triển Việt ngữ và muốn con em chúng ta trở nên những người Việt Nam tòan tài để hy vọng ngày quang phục một nước “Việt Nam minh châu trời đông”, thì nhiệm vụ và trách nhiệm cuối cùng vẫn là ở nơi mỗi phụ huynh.

Cuối cùng, trong tâm tình cảm tạ mọi hồng ân và phước lộc Chúa ban, Giáo Xứ Đức Mẹ Việt Nam đã cố gắng duy trì liên tục chương trình giáo dục Việt ngữ, quý thầy cô cũng đã gắng sức chu tòan nhiệm vụ được ủy nhiệm, nhưng sự trường thọ của Trường Việt Ngữ lại tùy thuộc nơi quý phụ huynh học sinh.

Ước mong các bậc phụ huynh ý thức sự ích lợi và trách nhiệm duy trì tiếng Việt cho con em; nhìn về tương lai, các em là hy vọng, là rường cột của gia đình và của giáo xứ, vì: “tiếng Việt còn, Giáo xứ còn.”

Cuối Hè 2008
Trường Việt Ngữ Lê Bảo Tịnh
Top
We use cookies to improve our website. By continuing to use this website, you are giving consent to cookies being used. Cookie policy. I accept cookies from this site. Agree